Bệnh động mạch chi dưới nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến hoại tử đầu ngón chân, thậm chí phải tháo khớp hoặc cắt cụt chân….
TS Lương Công Thức đang khám cho bệnh nhân mắc bệnh động mạch ngoại biên tại Khoa Tim mạch (BV 103). Ảnh: P.T
Suýt tháo khớp chân vì máu không lưu thông
Ông Võ Như Na (70 tuổi, ở Hà Nam) đến bệnh viện trong tình trạng hai chân bị tê, nhức mỏi, đau khi đi bộ. Ông Na cho biết, nhiều năm nay ông thường xuyên bị đau các khớp. Mỗi lần đau ông lại tiêm thuốc giảm đau.
Ông Na cũng dùng cả thuốc Nam nhưng uống mãi không khỏi mà bệnh thêm nặng. Dù ăn uống được, không làm việc quá sức nhưng người ông Na ngày càng ốm yếu, hay nhức mỏi chân, lạnh chân.
Chỉ khi chân đau càng gia tăng, không đi lại được, tiêm thuốc giảm đau thì chân lại sưng to, tím nên người nhà đã chuyển ông lên BV 103 (Hà Nội) khám. Vào viện, ông Na được can thiệp nong động mạch, đặt stent chi dưới. Sau 3 tuần điều trị, chân ông không còn sưng nề, đi lại bình thường.
Cũng như ông Na, ông Đặng Hữu Ngọc (ở Hà Nội) vào viện trong tình trạng sốt cao, chân phù nề, vết lở loét ở ngón chân rộng, nhìn thấy cả xương. Bác sĩ chẩn đoán các động mạch cấp máu cho chân của ông Ngọc bị hẹp, tắc nênmáu không lưu thông xuống chân được, có thể phải tháo khớp chân để bảo toàn tính mạng.
May mắn là ông Ngọc được điều trị thành công bằng phương pháp can thiệp mạch. Hiện tại, chân ông Ngọc đã dần ổn định, vết hoại tử đã se miệng và có thể đi lại được.
Ông Ngọc cho biết, đây là lần thứ 3 trong năm nay ông vào viện. Đầu tiên ông bị sốt, chân sưng phồng, lạnh toát, bàn chân phải mất cảm giác, véo mạnh không đau. Thậm chí, dù mùa hè mà chân vẫn cứ thấy lạnh như sốt rét.
Tiếp đó, bàn chân trái của ông cũng bị tê, đau. Sau 10 ngày điều trị hết sốt, về nhà được vài ngày ông lại phải nhập viện. Theo ông Ngọc, khi thấy chân bị tê, đau ông đã đi khám ở nhiều nơi nhưng lại được bác sĩ chẩn đoán là đau khớp, đau thần kinh tọa và cho thuốc uống nhưng không khỏi.
BS Trần Đức Hùng - Chủ nhiệm Khoa Tim mạch (BV 103) cho biết, nguyên nhân của hẹp tắc động mạch chi dưới đa số là do xơ vữa động mạch. Bệnh gây ra các triệu chứng của thiếu máu hai chân như đau khi đi lại, đau khi nghỉ và cuối cùng là loét không liền.
Rất nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khớp, hội chứng thắt lưng hông. Trước đây do bệnh nhân nhập viện muộn, khả năng can thiệp khó khăn nên hầu hết người bệnh bị tắc động mạch chi dưới phải cắt cụt chi.
"Kỹ thuật nong mạch, sử dụng stent bằng chất liệu mới nitinol để đặt cho người bệnh bị hẹp động mạch chi giúp cho chi bị thiếu máu được tiếp nhận máu nhiều hơn. Vì vậy, người bệnh có thể giữ được đôi chân của mình, các vết loét ở chân có thể liền được. Loại stent này có thể gấp và duỗi thẳng mà không ảnh hưởng đến cấu trúc của stent cũng như sinh hoạt của người bệnh", BS Trần Đức Hùng cho hay.
Cẩn trọng khi chân lạnh
TS Lương Công Thức - Phó Chủ nhiệm Khoa Tim mạch (BV 103) cho hay, tắc động mạch ngoại biên chủ yếu hay gặp nhất là ở chi dưới, động mạch chủ bụng, thận và động mạch cảnh. Ở chân biểu hiện sớm là bệnh nhân đau khi đi, đau cách hồi (đi một đoạn là có cảm giác như bị tê chân, đau chân, phải ngồi xuống hoặc đứng lại rồi mới đi tiếp được).
Triệu chứng này càng nặng dần lên khiến người bệnh đau cả khi nghỉ, có biểu hiện loạn dưỡng, phù nề, loét. Nếu không được điều trị chỗ loét ngày càng rộng ra và khi mạch máu bị tắc hoàn toàn thì chân sẽ bị hoại tử, chỉ còn cách là cắt bỏ chân. Ngoài ra, người bệnh có thể bị chân lạnh, thấy tê, rối loạn cảm giác. Khi khám sẽ thấy động mạch yếu hoặc mất…
Theo các bác sĩ ở Khoa Tim mạch - BV 103, bệnh nhân bị động mạch ngoại biên khi vào viện sẽ được cho dùng thuốc giãn mạch, chống kết tập tiểu cầu làm cho các tế bào máu không vón lại và thuốc làm giảm cholesterol trong máu.
Những bệnh nhân điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống không phát huy hiệu quả mà vẫn còn triệu chứng sẽ phải tiến hành can thiệp hoặc phẫu thuật. Người bệnh có thể được can thiệp bằng cách chỉ nong động mạch hoặc nong động mạch rồi đặt stent những đoạn mạch tắc ở vị trí xa hoặc phẫu thuật bắc cầu nối qua đoạn mạch bị hẹp, tắc.
BS Trần Đức Hùng cho biết, stent động mạch thực chất là đặt giá đỡ vào đoạn mạch bị hẹp, tắc nhằm lập lại tuần hoàn ở đoạn chi bị thiếu máu. Hiện nay có 2 loại stent được đưa vào chỗ động mạch bị hẹp, tắc.
Một loại có tên là stent nhớ hình, loại còn lại là không nhớ hình. Hai loại đều được cấu tạo bằng kim loại nhưng loại không nhớ hình khi đưa vào động mạch, bệnh nhân sẽ phải hạn chế vận động và va chạm vì dễ bị biến dạng gây khó khăn cho việc lưu thông máu. Loại stent nhớ hình có nhiều ưu điểm hơn. Khi bị tác động hay va chạm, stent sẽ biến dạng nhưng sau đó lại trở về hình dạng ban đầu.
Ngoài ra, loại bóng phủ thuốc và stent phủ thuốc được thiết kế đặc biệt có chứa một lượng thuốc nhỏ có tác dụng chống lại sự tăng sinh quá mức của tế bào cơ trơn thành mạch máu. Thuốc sẽ được giải phóng từ từ vào thành mạch sau khi bóng hoặc stent được đưa vào. Nhờ đó làm giảm tỷ lệ tái hẹp sau khi nong bóng hoặc đặt stent.
"Giá thành của một stent của phủ thuốc khoảng 38 triệu đồng, bóng phủ thuốc là 25 triệu đồng, đắt hơn bóng thường 1,5 lần nhưng tỷ lệ tái hẹp thấp. Với loại stent thường, sau 6 đến 12 tháng bệnh nhân có thể bị tái hẹp. Bệnh nhân mắc bệnh động mạch ngoại biên cũng được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định nên bệnh nhân hầu như không phải trả thêm tiền khi chữa trị", BS Trần Đức Hùng cho biết.
Theo Phương Thuận - Gia đình và Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét