Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Điều phải biết về dị tật tim bẩm sinh ở trẻ

Dị tật tim bẩm sinh là những bất thường trong cấu trúc tim và mạch máu lớn xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra.


Các dị tật thường ở buồng tim, van tim, vách tim, các mạch máu lớn. Một số dị tật đi kèm với bệnh tim bẩm sinh là hội chứng Down, sứt môi, tay chân thiếu hoặc thừa ngón, đầu to nhỏ bất thường… Cứ 100 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh, 1/3 số đó dị tật nhẹ.
Nguyên nhân khiến trẻ bị dị tật tim bẩm sinh thường do 2 yếu tố: di truyền và môi trường tác động. Nhiều trường hợp trẻ bị bệnh từ trong quá trình mẹ mang thai, mẹ bầu bị Rubella, mắc bệnh tiểu đường, lupus ban đỏ, bị nhiễm chất độc vật lý, hóa học, uống rượu, hút thuốc...

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Ở nhiều trẻ không thấy có biểu hiện gì đặc biệt, chỉ được phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Nếu trẻ có các biểu hiện sau thì bố mẹ phải đưa trẻ đi kiểm tra sớm:
- Trẻ gặp khó khăn trong việc thở: thở khó và ngắn, thở khò khè, hay bị ho, viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp. Ở một số trẻ có thể nghe tiếng thổi ở tim.
- Da trẻ tím tái, xanh xao, phù ở chân, bụng, quanh hốc mắt. Niêm mạc, gốc móng tay bị tím. Trẻ thường bị lạnh nhưng lại hay vã mồ hôi, thân nhiệt bất thường.
- Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh thường chậm phát triển, suy dinh dưỡng, răng mọc chậm và cũng chậm biết đi, biết bò so với trẻ bình thường.
- Ở những trẻ lớn, khi bị bệnh tim trẻ lười vận động do cảm thấy mệt mỏi, học chậm tiếp thu bài vở.

Chăm sóc cho trẻ bị dị tật tim bẩm sinh

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh thân nhiệt bất thường, vì vậy phải giữ cho trẻ ấm vào mùa lạnh, thoáng mát vào mùa Hè. Môi trường sống của bé phải được đảm bảo sạch sẽ, hạn chế tối đa các tác nhân hóa học, vật lý.
Giữ vệ sinh răng miệng là điều quan trọng với trẻ, tránh nguy cơ nhiễm trùng ngay cả khi nhổ răng hay thực hiện tiểu phẫu.
Cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất, tốt nhất là theo chế độ ăn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Với những trẻ còn bú mẹ, cho bú nhiều cữ trong một ngày, không nên để trẻ bú lâu sẽ bị mệt và dễ bị sặc, chớ sữa. Trẻ không bú được thì mẹ vắt sữa cho trẻ bú.
Trẻ ăn dặm thì ăn từng ít, nhiều lần trong ngày, tùy khả năng ăn uống, tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Mẹ nên chọn những loại đồ ăn dễ tiêu hóa.
Bản thân người mẹ khi chăm trẻ bị bệnh tim cũng phải giữ vệ sinh sạch sẽ lúc cho trẻ bú hoặc ăn. Mẹ nên rửa tay sạch sẽ, giữ sạch đầu vú hoặc bình ti.
Hạn chế cho trẻ vận động quá sức, chơi những trò cảm giác mạnh. Tránh sốc tâm lý cho trẻ.

Phòng ngừa dị tật tim bẩm sinh từ khi mang thai

Khi mang thai, mẹ bầu phải đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Bất cứ hoạt động nào cũng mẹ cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ sau này. Mẹ bầu phải tuyệt đối tránh bia rượu, thuốc lá, chất gây nghiện, kích thích, môi trường độc hại.
Mẹ bầu béo phì sinh con, con có thể mắc bệnh tim. Vì vậy, một chế độ ăn hợp lý khi mang thai đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và sức khỏe cho con.
Nếu bị mắc các bệnh như tiểu đường, luspan đỏ thì phải mẹ bầu phải đi chữa trị ngay tập tức.
Phụ nữ bị mắc bệnh tim vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nếu được bác sĩ tư vấn và khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Điều trị dị tật tim bẩm sinh

Phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể giúp trẻ bị bệnh tim khỏe mạnh và phát triển bình thường. 1/3 trẻ dị tật nhẹ, chỉ cần uống thuốc dưới sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ.
Với những trẻ bị bệnh nặng thì phương pháp điều trị tốt nhất là tiến hành phẫu thuật. Tùy vào dị tật mà tiến hành phẫu thuật cho trẻ khi nào. Có trường hợp phải làm ngay khi trẻ mới được một vài tháng. Một số loại thì phải được theo dõi định kỳ, đến thời điểm thích hợp mới có thể làm phẫu thuật.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét