Dư thừa chất béo có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, xơ vữa mạch máu, gây ra các vấn đề cho gan, thận, gây ra chứng cao huyết áp hay nặng hơn là nhồi máu cơ tim.
Cứ 3 người Việt Nam được hỏi thì sẽ có 1 người có vấn đề liên quan đến mỡ trong máu. Mỡ trong máu tăng cao hay còn gọi là rối loạn lipit máu. Các loại lipit trong cơ thể bao gồm: triglyceride, phospholipid và cholesterol.
Có 10% triglyceride được tổng hợp ở gan và mô mỡ, 90% còn lại có nguồn gốc từ thức ăn. Cholesterol có hai nguồn gốc: 30% ngoại sinh từ các thức ăn có nguồn gốc động vật và 70% nội sinh do gan tổng hợp.
Đi tìm nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là những mảng cholesterol. Khi những mảng Cholesterol này trôi trong mạch máu của chúng ta, gặp nơi thích hợp sẽ lắng đọng, bám vào thành của các mạch máu.
Những mảng xơ vữa này ngày càng nhiều làm cho thành mạch máu trở nên cứng, giòn, mất tính đàn hồi mềm dẻo và gây hẹp lòng mạch máu, làm dòng máu. Vậy nguyên nhân chính là dư thừa Cholesterol.
Dư thừa Cholesterol trong cơ thể là do thiếu vận động và chế độ ăn uống chưa hợp lý. Thiếu vận động làm cơ thể không đốt cháy được lượng Cholesterol dư thừa trong cơ thể.
Lượng Cholesterol này được dự trữ trong tế bào mỡ, tích tụ ở dưới da, khi lượng mỡ dư, nó sẽ tái phân bố. Mỡ dư thường tích tại vùng bụng, thành ruột, thành tim, thành mạch máu, máu, tim, gan, tụy, não là những cơ quan đích của quá trình này.
Việc có thói quen ăn nhiều mỡ động vật và nội tạng động vật cũng như các chất có Cholesterol toàn phần cũng làm tăng lượng mỡ dư thừa trong cơ thể.
Biểu hiện của tăng mỡ máu
Thường người ta đánh giá nồng độ mỡ máu bằng hai xét nghiệm là định lượng nồng độ triglycerid toàn phần và nồng độ cholesterol toàn phần. Trong giới hạn bình thường, nồng độ cholesterol toàn phần có giá trị từ 4-5 mmol/l và triglycerid toàn phần có giá trị nhỏ hơn 2,3 mmol/l.
Vượt quá chỉ số này được xem là tăng mỡ máu. Tuy nhiên, cũng không phải mọi sự vượt quá giá trị bình thường đều được coi là bệnh lý vì nó cũng bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như ăn uống.
Phòng và điều trị tăng mỡ máu
Chế độ dinh dưỡng với nhiều rau xanh sẽ làm giảm Cholesterol trong máu
Trước tiên, cần đạt và duy trì cân nặng lý tưởng: BMI 20 – 22 kg/m2(BMI = cân nặng (kg)/chiều cao2 (m)); ăn mỡ (lipit), cholesterol dưới 200mg/ngày.
Trong tự nhiên, lipit có nhiều loại: lipit bão hoà (mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ...), lipit không no một nối đôi (dầu ôliu, mỡ cá, hải sản, tảo...), lipit không no nhiều nối đôi (dầu bắp, dầu hạt bông, dầu đậu nành, dầu mè…), người tăng mỡ máu nên hạn chế lipit bão hoà.
Đặc biệt, người thừa cân béo phì, cao huyết áp, tăng mỡ máu… nên chú ý lượng mỡ trong khẩu phần vì lipit cung cấp nhiều năng lượng.
Không lạm dụng rượu, bia và thuốc lá: Ngừng thuốc lá là việc làm cần thiết, quan trọng với bệnh nhân rối loạn mỡ trong máu, thuốc lá là yếu tố góp phần làm thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch và làm tăng cholesterol gây hại LDL. Uống rượu quá nhiều dễ bị tăng triglyceride hơn.
Luyện tập thể thao thường xuyên: Ngoài việc kiêng cữ trong ăn uống thì việc tập thể dục thể thao sẽ góp phần tăng tác dụng của việc kiêng ăn. Bác sĩ điều trị sẽ đề nghị hình thức tập thể dục chơi thể thao phù hợp với sức khỏe của từng người.
Tập thể dục thể thao nhịp nhàng dưới các hình thức: đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp… ở mức độ không gắng sức là phù hợp. Mỗi lần tập cố gắng đủ 30 – 45 phút, ít nhất tập thường xuyên 3 lần/1 tuần.
Nếu bạn bị béo phì, dư cân nặng và không tập thể dục nhiều năm nay, nên quyết tâm luyện tập, lúc đầu tập ít, sau tăng dần, cố gắng tập đều đặn. Lúc đầu có thể thấy mệt, buồn ngủ vào buổi sáng sau tập nhưng bạn sẽ quen dần và thấy khỏe hơn.
Duy trì và phát triển vận động: cố gắng xây dựng thời khóa biểu tập thể dục thể thao, coi đó như là một thú vui. Có thể xây dựng nhóm cùng tham gia chương trình tập thể dục thể thao.
Hoạt động thể dục thể thao sẽ đốt cháy lượng Choleterol dư thừa. Ảnh minh họa
Điều trị mỡ máu: Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc hạ mỡ trong máu: nhóm fibrate, nhóm statin, nhóm resin, nhóm niacin. Mỗi nhóm có tác dụng hạ mỡ theo những cơ chế khác nhau. Việc lựa chọn sử dụng loại nào phù hợp trong điều trị cho bệnh nhân sẽ do thầy thuốc chuyên khoa quyết định.
Theo Bảo An - VietQ.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét