Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Lời khuyên dành cho bà bầu bị cao huyết áp

Cao huyết áp là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai. Có tới 15% phụ nữ mang thai bị cao huyết áp và 25% trường hợp đẻ non là do cao huyết áp. 
Mặc dầu nhiều phụ nữ mắc bệnh cao huyết áp mang thai vẫn sinh em bé khỏe mạnh mà không có biến chứng gì nghiêm trọng, nhưng cao huyết áp khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con:
- Về thai nhi: Huyết áp cao ở mẹ có thể gây giảm lưu lượng máu đến nhau, sự cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cũng ít hơn cho thai nhi phát triển đưa đến các nguy cơ: thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non, nhau bong non, thai chết lưu…
- Về mẹ: Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận và các cơ quan khác của người mẹ, nhưng biến chứng nguy hiểm hơn là phát triển tiền sản giật trên người mẹ có cao huyết áp trước đó.
Tuy nhiên, nếu huyết áp được kiểm soát tốt và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ thì phần lớn thai phụ bị tăng huyết áp đều có thể mang thai và sinh nở bình thường.
Do đó, nếu bị tăng huyết áp trước khi mang thai, bạn cần được đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát như bệnh lý thận, nội tiết… đánh giá hiệu quả điều trị huyết áp và chỉnh liều thuốc để đạt trị số huyết áp bình thường trước khi mang thai.
 
Một số lời khuyên sau đây sẽ giúp ích khi mang thai:
1. Báo cho BS điều trị biết ý định muốn có thai của bạn để BS thay đổi thuốc huyết áp phù hợp cho phụ nữ mang thai. Một số thuốc huyết áp không được dùng trong lúc mang thai như thuốc ức chế men chuyển chẳng hạn (zestoretic).
2. Thường xuyên dùng thuốc trị huyết áp theo hướng dẫn của BS.
3. Có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ít muối, tập thể dục thường xuyên và giảm cân để giữ huyết áp ổn định (nếu quá cân). Tránh dùng rượu và thuốc lá.
4. Khi mang thai, đi khám đều đặn theo lịch hẹn để theo dõi sát huyết áp và sự phát triển của thai nhi.
 
5. Nếu bạn bị nhức đầu, chóng mặt, có vấn đề về thị lực như nhìn mờ hoặc phù nhiều ở mặt, tay chân và tăng cân nhanh, đau nhiều ở vùng bụng trên… hãy đi khám ngay lập tức.

Theo BSCK Alobacsi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét