Bệnh huyết áp cao rõ ràng đang là vấn nạn của sức khỏe cộng đồng, đứng đầu về tỉ lệ tử vong
Theo thống kê ở CHLB Đức, 80% người từ tuổi 65 là nạn nhân của huyết áp cao. Tỉ lệ mắc bệnh này ở nước ta chắc chắn không thể thấp hơn. Bệnh thậm chí nghiêm trọng hơn, nghĩa là dễ có biến chứng hơn, vì đa số người dân xứ mình chưa hiểu đúng về tai hại của huyết áp cao.
Chính vì không cầm chân được huyết áp trong vòng kiểm soát nên bệnh tim mạch vẫn trước sau đứng đầu về tỉ lệ tử vong, hàng trăm ngàn người bất hạnh ở xứ mình đang phải sống kiếp phế nhân trên giường bệnh, trên xe lăn để chờ ngày bỏ cuộc!
Sử dụng thuốc không đúng
Thầy thuốc tất nhiên phải dùng thuốc hạ áp, thường phải phối hợp nhiều loại là khác, trong trường hợp đúng chỉ định. Điểm đáng nói, theo kết quả thống kê hẳn hoi, là phần lớn người dùng thuốc hạ áp lại theo cách không đúng. Đó là:
- Tự động ngưng thuốc khi thấy khỏe, thấy huyết áp ổn định sau thời gian dài dùng thuốc. Đây là một trong các lý do thường gặp dẫn đến tai biến mạch máu não vì huyết áp bất ngờ tăng cao do cơ thể thiếu thuốc.
- Dùng thuốc không theo toa của bác sĩ mà vì quá sợ bệnh nên tự ý tăng đô mà không hề hỏi qua thầy thuốc. Nếu tưởng thuốc càng nhiều càng hay thì trật cả cây số! Các nhà nghiên cứu ở Ontario (Canada) sau khi đánh giá 300.000 hồ sơ bệnh lý đã phát hiện có đến 1.500 ca chấn thương trầm trọng, từ gãy cổ xương đùi cho đến tổn thương sọ não chỉ vì bệnh nhân dùng thuốc quá liều cần thiết nên té ngã do chóng mặt khi thay đổi tư thế!
Kiểm tra huyết áp là khâu quan trọng đối với bệnh nhân cũng như với người cao huyết áp.
Ảnh: HỒNG THÚY
Cũng theo chuyên gia bệnh tim mạch ở Canada, tình trạng nêu trên rất dễ xảy ra trong 45 ngày đầu khi dùng thuốc vì trong giai đoạn này, cơ thể rất nhạy cảm với tác dụng hạ huyết áp của thuốc. Chóng mặt ở người được điều trị bằng thuốc hạ áp càng rõ nét hơn nữa nếu trong phác đồ điều trị có hơn 2 dược phẩm thuộc nhóm chẹn beta. Cũng không thiếu trường hợp chóng mặt khi vừa thức dậy mặc dù thầy thuốc không quá mạnh tay với thuốc đặc hiệu nhưng vì trong toa thuốc có thêm thuốc an thần.
Những điều cần tránh
Để tránh tình trạng nêu trên, ngoại trừ trường hợp cấp bách cần dùng ngay thuốc đánh nhanh, đánh mạnh, thầy thuốc không nên quá hào phóng khi biên toa cho thuốc hạ áp. Trái lại, nên tăng hay giảm thuốc tùy theo phản ứng của mỗi người bệnh cá biệt. Chính vì thế mà bệnh nhân cao huyết áp khi dùng thuốc lần đầu cần được theo dõi sát sao, thay vì lãnh thuốc rồi mấy tháng sau mới gặp lại thầy thuốc.
Cũng chính vì thế mà bệnh nhân cao huyết áp cần được hướng dẫn về cách đo huyết áp để tự theo dõi bệnh tình, thay vì phó mặc cho định mệnh theo kiểu tuy mệt, tuy nhức đầu, chóng mặt… nhưng vẫn bình chân như vại vì chưa đến ngày tái khám.
Thêm vào đó, bệnh nhân cao huyết áp dù chưa phát hiện chóng mặt, nhất là người cao tuổi, cần tập thói quen không đổi tư thế một cách đột ngột, nhất là khi vừa mới thức dậy, vì khi đó hệ thần kinh giao cảm đang trong trạng thái rất dễ biến động. Đó là lý do tại sao thầy thuốc chuyên khoa tim mạch ở Mỹ, nơi chắc chắn không thiếu thuốc đặc hiệu, đã từ lâu khuyến khích bệnh nhân tập thiền trong tư thế nằm trước khi ngồi dậy chào ngày mới. Họ hoàn toàn có lý vì huyết áp tuy cao vẫn ít nguy hiểm hơn huyết áp dao động quá thất thường, mới cao chưa được bao lâu đã tụt xuống cái rụp!
Không dùng thuốc hạ áp trong trường hợp đúng chỉ định là sai lầm nghiêm trọng. Mặt khác, dùng thuốc hạ áp đúng y sách vở nhưng quên cân nhắc tổng trạng, cơ tạng và nhất là tính cảm ứng cá biệt của mỗi người bệnh cũng có thể dẫn đến hậu quá tai hại không kém. Bệnh nhân càng nhạy cảm càng cần thầy thuốc tinh tế. Khó có dẫn chứng về chuyện này rõ hơn cách dùng thuốc hạ áp.
Theo BS Lương Lễ Hoàng - Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét