Nếu bệnh nhân bị bệnh THA không được phát hiện và điều trị tốt sẽ có thể bị tàn phế hoặc tử vong.
Ảnh minh họa
Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp (THA) ngày càng tăng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Năm 1960, tỷ lệ này là 1% dân số ở miền Bắc Việt Nam, năm 1992 là 11,79% dân số của cả nước và đến năm 2008 đã lên đến 27,2% dân số ở người trưởng thành > 25 tuổi của nước ta.
Nếu bệnh nhân bị bệnh THA không được phát hiện và điều trị tốt sẽ có thể bị tàn phế hoặc tử vong.
Mặt khác nếu bệnh nhân được phát hiện bị bệnh này thì phải được theo dõi và điều trị suốt đời để phòng tránh các biến chứng của bệnh gây ra, như vậy sẽ rất tốn kém về tiền của cũng như thời gian và công sức của bệnh nhân, gia đình và xã hội. Vì vậy cách tốt nhất là mỗi người hãy cố gắng phòng bệnh THA.
Cần hạn chế ăn mặn, ăn mỡ, phủ tạng động vật để giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Hiện nay y học mới chứng minh có khoảng 5% bệnh nhân bị THA là có nguyên nhân để điều trị triệt để, còn khoảng 95% bệnh nhân bị THA còn lại là không có nguyên nhân nên được gọi là bệnh THA (hay THA tiên phát) nhưng đồng thời y học cũng chứng minh có một số yếu tố nguy cơ gây nên bệnh THA.
Vì vậy để phòng bệnh THA, mỗi người nên cố gắng hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây bệnh THA sẽ được đề cập dưới đây:
Hút thuốc lá, thuốc lào: Trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích, đặc biệt có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp, nhiều nghiên cứu cho thấy hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 11mmHg và huyết áp tâm trương lên 9mmHg và kéo dài trong 20-30 phút. Vì vậy nếu không hút thuốc lá cũng là biện pháp phòng bệnh THA.
Tiểu đường: Ở người bị tiểu đường, tỷ lệ bệnh nhân bị THA cao gấp đôi so với người không bị tiểu đường. Khi có cả THA và tiểu đường sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu lớn và nhỏ, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong so với bệnh nhân THA đơn thuần. Vì vậy, nếu bị bệnh tiểu đường cần điều trị tốt bệnh này sẽ góp phần khống chế được bệnh THA kèm theo.
Rối loạn lipid máu: Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần mỡ của máu hay chính xác hơn là lipid máu.
Nồng độ cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch và dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây THA.
Cholesterol toàn phần bao gồm nhiều dạng, cholesterol trong đó được nghiên cứu nhiều nhất là cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL-C) và cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C).
Nồng độ LDL-C trên 3,0mmol/dl là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngược lại, HDL-C được xem là có vai trò bảo vệ. Hàm lượng HDL-C trong máu cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp (tối thiểu cũng phải cao hơn 1,0mmol/dl). Vì vậy cần ăn chế độ giảm lipid máu sẽ giúp phòng bệnh tim mạch nói chung và bệnh THA nói riêng.
Chú ý trong khẩu phần ăn hàng ngày, không nên ăn: mỡ, mực và phủ tạng động vật. Nên ăn nhiều rau và hoa quả tươi. Chú ý ăn cá tươi (ít nhất 2 lần/tuần) vì có nhiều tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch.
Theo TS Phạm Thị Hồng Thi - Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét