Điều trị tăng huyết áp là một hoạt động liên tục, kiên trì có thể suốt cả đời. Do vậy, cần có sự nhận thức đầy đủ và tuân thủ điều trị.
Còn chưa thống nhất về các mục tiêu đích thực cần đạt được trong điều trị tăng huyết áp, Điều chỉnh lối sống là vấn đề rất quan trọng trong khống chế tăng huyết áp nhưng lại là vấn đề khó khăn nhất trong áp dụng do sự thay đổi đời sống xã hội và nhận thức còn hạn chế của người dân.
Điều kiện kinh tế, xã hội chưa cho phép tất cả người dân được tiếp cận điều trị tăng huyết áp đầy đủ và đúng mực.
Người bệnh tăng huyết áp thường kèm theo nhiều rối loạn và bệnh tật khác như: béo phì, hội chứng chuyển hóa, rối loạn lipid, đái tháo đường... làm cho việc khống chế huyết áp càng khó khăn.
Các thuốc điều trị tăng huyết áp có nhiều sự thay đổi, giá thành còn cao và vẫn còn tồn tại nhiều tác dụng phụ.
Ngay cả trong giới chuyên môn, các khuyến cáo cũng chưa hoàn toàn được thống nhất.
Chúng ta có thể ngăn chặn, chống lại được “Kẻ giết người thầm lặng” này không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Vấn đề phụ thuộc vào chính bản thân bạn rất nhiều.
Tập thể dục đều đặn có lợi cho người bệnh tăng huyết áp (Ảnh: Như Ý)
Những nghiên cứu kinh điển đã cho thấy, việc tôn trọng điều trị giảm được huyết áp đã ngăn chặn được đáng kể tử vong và tàn phế do các biến chứng của tăng huyết áp gây ra. Theo ước tính, nếu cứ giảm đi được 10 mmHg huyết áp tâm thu ở người bị tăng huyết áp thì giảm được khoảng 30% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm được 40% nguy cơ tử vong do tai biến mạch máu não.
Làm thế nào để giảm được huyết áp như mong muốn: Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh. Việc thay đổi lối sống đóng một vai trò quyết định. Thêm vào đó, hãy dùng thuốc đều đặn và liên tục theo chỉ định của thầy thuốc.
Theo ước tính của Hội Tim mạch Canada năm 2009 cho thấy, tại Canada, với việc giảm ăn mặn từ 3.500mg muối xuống 1.700mg muối trong một ngày đã giúp giảm: 1 triệu người bị tăng huyết áp; giảm 5 triệu lượt người phải đi khám BS trong một năm; tiết kiệm được 450 - 540 triệu USD trong một năm do phải đi khám và dùng thuốc; giảm được 13% tử vong do các biến chứng tim mạch và tổng cộng chi phí y tế giảm được 1,3 tỷ USD mỗi năm (!).
Những thống kê khác về thay đổi lối sống là: cứ giảm được 1.800mg muối mỗi ngày thì giảm được trung bình 5,5mmHg huyết áp; cứ giảm được mỗi 1kg cân nặng thừa thì giảm được trung bình 1,5mmHg; tập thể dục đều ít nhất 60 phút mỗi ngày và hàng ngày thì giảm được trung bình 5,5mmHg; chế độ ăn hợp lý (chế độ DASH theo khuyến cáo của Canada) sẽ giúp giảm được 11mmHg.
Đây là một dẫn chứng nhỏ để nói lên rằng nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo, thì những biện pháp dù đơn giản cũng có hiệu quả đáng kể.
Khi có chỉ định dùng thuốc điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng các chỉ dẫn của thầy thuốc. Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của tăng huyết áp).
Chúng ta rất vui mừng là hiện ngày càng có nhiều loại thuốc có hiệu quả cao trong điều trị tăng huyết áp, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải là sự tuân thủ điều trị của người bị tăng huyết áp còn kém, làm cho số bệnh nhân đạt được mục tiêu còn khiêm tốn.
Tóm lại, việc kiểm soát tăng huyết áp chủ yếu dựa vào cộng đồng và có ý nghĩa quyết định, mang lại lợi ích đáng kể. Việc cổ vũ lối sống lành mạnh và thay đổi những lối sống có hại cho mỗi cá nhân là “vũ khí” lợi hại hàng đầu trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù thầm lặng này”.
Những lời khuyên hữu ích:
Giảm cân nặng nếu thừa cân.
Không hút thuốc lá, thuốc lào.
Ăn uống hợp lý, không ăn nhiều chất béo bão hòa.
Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần).
Tập thể dục đều đặn.
Uống rượu bia có chừng mực (nếu đã có thói quen).
Tránh căng thẳng, tự tạo cho mình cuộc sống hài hòa.
Hãy kiểm tra huyết áp của bạn thường xuyên hơn theo khuyến cáo.
Hãy kiểm tra các nguy cơ khác: rối loạn đường máu, lipid máu...
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt - Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét