Tiền mất giá, đô la lên giá, vàng nhảy múa, áp lực lời lỗ, nợ ngân hàng chắc hẳn từng khiến nhiều ông chủ thót tim, bất giác đưa tay ôm ngực...
Tim mạch, đúng hơn là hệ tim mạch gồm quả tim và mạch máu (động mạch, mao mạch và tĩnh mạch). Khiếm khuyết bẩm sinh hoặc mắc phải của hệ tim mạch gây ra bệnh gọi là bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch có thể do lây nhiễm (bởi vi trùng, virus, ký sinh trùng, nấm) và không do lây nhiễm.
Tuy nhiên, do đặc điểm tuổi tác và nghề nghiệp, bệnh tim mạch không lây nhiễm lại thường gặp ở người thuộc giới kinh doanh.
Mới đây, nhờ đoàn thiện nguyện chương trình “Ngày Tim mạch Thế giới 2011” mà mọi người biết thêm:
“Mỗi năm bệnh tim mạch và đột quỵ gây chết 17,1 triệu người trên thế giới, chiếm 29% tổng tử vong toàn cầu và là nguyên nhân gây chết hàng đầu. trong đó, 82% xảy ra tại các nước thu nhập thấp và trung bình mà ít nhất 80% tử vong này có thể ngừa được nhờ thay đổi lối sống”.
Như vậy, mỗi năm số người chết do bệnh tim mạch trên thế giới gấp hai lần dân số TP.HCM! Liệu trong số đó có bao nhiêu người là doanh nhân? Có thể không có con số chính xác, nhưng chúng ta có thể suy đoán qua tác nhân gây bệnh tim.
Điểm đặc biệt là hầu như một nửa số người chết do bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim mạch và đột quỵ, đang trong độ tuổi từ 15 - 59, độ tuổi làm ra của cải.
Môi trường làm việc lành mạnh chi phối sức khỏe chung của một doanh nghiệp theo nhiều cách, thậm chí trong cả giai đoạn kinh tế suy thoái; những lợi ích đó bao gồm: (1) tăng sản lượng, (2) giảm ngày nghỉ bệnh, (3) phí y tế thấp cho cả chủ và người làm, (4) ít chấn thương tại nơi làm việc, (5) cải thiện đức nghiệp và lòng trung thành và (6) giữ được dàn khung quản lý lâu hơn.
Công việc ít động chân tay nhưng lại căng thẳng kéo dài kèm giờ giấc không điều độ, tiệc tùng, khách khứa thường xuyên... là cơ hội để bệnh tim mạch và bệnh mạn tính liên quan tim mạch trội lên ở giới kinh doanh như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đột quỵ.
Từ ngữ y học rối rắm quá, phải chi là chỉ số chứng khoán, cổ tức, tỷ suất hối đoái... thì nằm lòng biết mấy. Tăng huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch tăng gây hại, hiện nay 25% người Việt từ 25 tuổi trở lên bị tăng huyết áp.
Tỷ lệ béo phì 4%, còn ở độ tuổi doanh chủ là 22%. Đái tháo đường là bệnh do đường máu tăng mạn tính, hiện 4% người Việt mắc chứng này. Tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở độ tuổi trung niên khoảng 22%. Còn lại, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đột quỵ... là biến chứng tim mạch của tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch.
Làm sao biết mình bị bệnh tim mạch? Chỉ đi khám mới biết mình có bị bệnh hay không và đặc biệt nhờ khám định kỳ mà phát hiện sớm các bệnh tim mạch để chữa hiệu quả và đương nhiên giúp doanh chủ ổn định, doanh nghiệp phát triển.
Nhớ lại 80% tử vong do bệnh tim mạch phòng được nhờ 10 bước đơn giản như thông điệp “Ngày Tim mạch Thế giới” mà doanh chủ khấp khởi. Mười bước ngừa bệnh tim mạch áp dụng tại các doanh nghiệp là:
• Bữa ăn bảo đảm có lợi cho sức khỏe. Ăn ít nhất 5 suất trái cây và rau mỗi ngày, đồng thời tránh chất béo bão hòa. Thận trọng với thức ăn chế biến sẵn vì những loại này thường nhiều muối.
• Năng vận động và kiểm soát sức khỏe tim mạch. Chỉ 30 phút vận động mỗi ngày cũng giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và đột quỵ.
• Không hút thuốc lá. Nguy cơ bệnh mạch vành giảm xuống còn một nửa sau một năm bỏ thuốc là và sau đó dần dà trở về bình thường.
• Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Giảm cân, đặc biệt kèm giảm muối sẽ làm giảm huyết áp. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ số một dẫn đến đột quỵ và là yếu tố nguy cơ chính của gần 50% bệnh tim mạch các loại và đột quỵ.
• Biết các chỉ số. Đi khám để biết con số huyết áp, chỉ số cholesterol máu, đường máu, chỉ số vòng bụng/vòng mông và chỉ số khối - cơ thể. Một khi đã biết nguy cơ toàn bộ của mình thì bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch hành động cụ thể để cải thiện sức khỏe doanh chủ và nhân viên.
• Hạn chế rượu bia. Uống nhiều rượu bia làm huyết áp và cân nặng tăng.
• Yêu cầu môi trường làm việc không khói thuốc. Yêu cầu cấm thuốc lá nơi làm việc. Khuyến khích nhân viên bỏ thuốc lá.
• Đem thể dục vào nơi làm việc. Các hình thức thể dục có thể như đi xe đạp đến nơi làm việc, đi cầu thang, tập thể dục hoặc đi bộ lúc nghỉ ăn trưa; khuyến khích người khác cùng tập.
• Chọn lựa thức ăn có lợi cho cơ thể. Yêu cầu căng-tin cung cấp thức ăn có lợi, hoặc chọn quán ăn gần đó nếu có thức ăn có lợi cho cơ thể.
• Tìm kiếm những khoảnh khắc thanh thản. Kích xúc (stress) bản thân không là yếu tố nguy cơ trực tiếp dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ, nhưng nó lại liên quan đến hút thuốc, uống rượu bia nhiều và ăn không lành mạnh mà những yếu tố sau lại gây ra bệnh tim mạch.
Hãy đi đâu đó xa nơi làm việc vào giờ ăn trưa để hít thở không khí trong lành. Tập thể dục đều đặn hằng ngày trong giờ làm việc như tập mỗi 5 phút, ngày 2 lần.
Theo ThS. Đào Duy An – Doanh nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét