Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Thừa cân, béo phì - Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong xã hội hiện đại và năng động như hiện nay thì thừa cân và béo phì đang có xu hướng phổ biến và tăng nhanh trong cộng đồng, là một trong những vấn đề nổi cộm ở các nước phát triển và có xu hướng tăng mạnh ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì khoảng 12,5%.
Người bị béo phì ngoài thân hình phì nộn, nặng nề, khó coi... còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp và ung thư...
Các bệnh lý về tim mạch có liên quan đến thừa cân, béo phì là:
Bệnh động mạch vành (đau thắt ngực), nhồi máu cơ tim; suy tim ứ huyết; tai biến mạch não (đột quỵ); tăng huyết áp; rối loạn mỡ (lipid) máu.
Qua các nghiên cứu, người ta thấy nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch do béo phì gây ra là: Tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường; tăng nguy cơ đột quỵ lên 6 lần; tăng huyết áp 12 lần; tiểu đường tăng 6 lần…
Có hai dạng béo phì. Ở dạng thứ nhất, mỡ thừa thường tập trung tại vùng bụng và thường gặp ở nam giới (gọi là "bụng bia" hay người hình quả táo). Dạng thứ hai được đặc trưng bởi sự tích lũy mỡ nhiều ở vùng mông và đùi, thường gặp ở phụ nữ (người hình quả lê). Kiểu béo phì ở bụng có liên quan với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành và đột quỵ. 
Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu bạn là nam giới, tốt nhất không nên để vòng bụng vượt quá 90% vòng mông; nếu bạn là phụ nữ, hãy cố gắng duy trì con số này dưới 80%.
Thông thường, thừa cân và béo phì là do lượng calo ăn vào vượt quá lượng calo tiêu thụ. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do yếu tố di truyền (gen). Yếu tố về tâm sinh lý cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây béo phì. Tuy vậy, béo phì là một yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được. 
Vì vậy, chế độ làm việc, ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ tránh dư thừa trọng lượng cơ thể, đồng thời cũng là biện pháp rất quan trọng để giảm nguy cơ gây THA, nhất là ở những người cao tuổi.
Việc giữ để có một cân nặng hợp lý ở người bình thường và giảm cân ở người béo phì sẽ giảm được nguy cơ bệnh tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nó là vấn đề lâu dài và cần phải giải quyết liên tục. Tuy nhiên, duy trì được lượng calo đưa vào và lượng calo tiêu thụ ở mức cân bằng là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn được béo phì.
Khuyến cáo của thầy thuốc
- Thắt lưng càng dài vòng đời càng ngắn.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Sử dụng dầu thực vật chứa nhiều acid béo chưa bão hoà.
- Dùng glucid phức hợp từ trái cây, hạt, củ, hạn chế đường.
- Tăng thức ăn có chất chống ôxy hoá như: rau xanh, trái cây.
- Không nên ăn mặn.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới thường dùng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) để nhận định tình trạng gầy béo.
BMI là chỉ số khối cơ thể và được tính theo công thức (trọng lượng cơ thể tính bằng kilogam)/bình phương của chiều cao (tính bằng m).
BMI= Trọng lượng cơ thể (kg)/[chiều cao (m)]2.
Áp dụng theo tiêu chuẩn của Hiệp hội ĐTĐ Đông Nam Á năm 2001:
- Thiếu cân: BMI < 18,5
- Bình thường: BMI từ 18,5 - 22,9
- Thừa cân: BMI từ 23 - 24,9
- Béo phì độ I: BMI từ 25 - 29,9
- Béo phì độ II: BMI ≥ 30.

Theo ThSPhạm Trần Linh - Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét