Khi bị bệnh cao huyết áp, nếu ăn uống không cẩn thận, bạn sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng.
Bởi, món ăn ngoài nhiệm vụ thỏa mãn “tâm hồn ăn uống”, giúp no bụng, còn chứa trong nó ít nhiều chất hỗ trợ điều trị bệnh, hoặc ngược lại, làm cho bệnh nặng hơn.
“Bạn dữ” của bệnh cao huyết áp là vị mặn thì ai cũng biết, vì khi bị bệnh này, ai cũng nhận được một lời khuyên như nhau: “không ăn mặn”. Tuy nhiên, còn một “bạn dữ” ẩn mặt nữa là vị ngọt, không ít người bị cấm ăn muối đã quay sang ăn... ngọt. Những món bánh, chè… thường tích lũy nhiều năng lượng gây thừa cân, béo phì.
Vị ngọt còn ẩn mặt trong các loại trái cây như xoài, mít… Đường trong trái cây nếu dư thừa vẫn được cơ thể chuyển thành mỡ dự trữ như những loại thực phẩm khác. Các loại nước ép trái cây bán sẵn trong các siêu thị cũng chứa nhiều đường. Vì thế, những người cao huyết áp chỉ nên dùng các loại nước ép tự làm tại nhà như: nước ép bưởi, cam, quít, sơ ri, chanh dây với chút ít đường là tốt nhất.
Theo lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM thì “bạn hiền” của bệnh cao huyết áp là vị đắng, vị nhạt. Các món ăn như dưa leo, khổ qua, rau đắng, rau xanh đều tốt cho người cao huyết áp. Vì vậy, trong thực đơn nên có các món khổ qua xào trứng, canh khổ qua nhồi thịt hầm, khổ qua nhồi cá thát lát xốt cà chua, lẩu khổ qua với cá thát lát…
Còn rau đắng thì có các món cháo cá lóc rau đắng, canh rau đắng nấu với cá đồng… Đĩa rau xanh gồm: rau muống, rau cải, rau mồng tơi, bí xanh, bông cải xanh chấm chao hay nước mắm kho quẹt cũng ngon không kém cao lương mỹ vị. Tuy nhiên người bị cao huyết áp chỉ được quyền “điểm” qua nước chấm chứ không được “nhúng” thẳng tay. Món gỏi làm từ các loại rau củ như: cà rốt, dưa leo, cà chua, khoai tây, xà lách cũng nên lấy vị chua ngọt làm “quân chủ lực” để giảm muối.
Người Việt có nhiều món bún ngon ngập trong nước lèo, nước mắm. Người cao huyết áp nếu ăn một tô cho đã ghiền sau thời gian nhịn thèm sẽ thấy ngay triệu chứng huyết áp tăng cao: bần thần, nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ… Để ăn các món có nước lèo, người bệnh chỉ cần ăn cái bỏ nước. Ăn các món bún chả giò, bún thịt nướng hãy chan cả chén nước mắm vào tô bún nhưng sau đó chắt ra “trả ngay”. Nước mắm chưa kịp thấm đẫm vào món ăn nhưng lại có vị mặn vừa đủ để ngon miệng. Món bánh cuốn, bánh ướt, bánh bột lọc, bánh nậm, thay vì chan vào đĩa thì để nước mắm nằm “yên vị” trong chén và chấm từ từ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét