BS Lê Văn Vĩnh cho biết, tăng huyết áp (THA) là khi dương khí dâng tràn lên ở thượng tiêu gây nên mất cân bằng âm dương; rối loạn khí; bế tắc kinh mạch…
Khi luyện tập khí công, người tập được ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng thư giãn hoàn toàn, giúp loại bỏ sự căng thẳng thần kinh - một trong những nguyên nhân gây THA. Những động tác thở bụng còn giúp hơi thở điều hòa hơn, đưa máu xuống thận đầy đủ, tránh bài tiết chất renin, gia tăng khí CO2 làm giãn nở mao mạch ngoại biên, quân bình hệ trực và đối giao cảm… từ đó giúp huyết áp ổn định.
Với những người THA nên tránh luyện tập những động tác mạnh và tiêu hao năng lượng nhiều như: tập tạ, chạy marathon, võ thuật, tennis… vì sẽ làm hệ trực giao cảm thêm hưng phấn (dương thịnh), tuần hoàn máu quá nhanh. Hậu quả là co cơ bắp, gia tăng lưu lượng máu và gây THA. Người mắc chứng THA chỉ nên tập những môn thể dục nhẹ nhàng, thư giãn, ít tiêu hao năng lượng như: đi bộ chậm, khí công. Một số động tác khí công đơn giản có tác dụng giúp điều trị THA:
1. Tĩnh công: ngồi xếp bằng thư giãn, thả lỏng thoải mái, hai bàn tay chồng lên nhau đặt ở huyệt đan điền (nam tay trái trong tay phải ngoài, nữ tay trái ngoài tay phải trong). Hít thở chậm, nhẹ, sâu, dài. Hít vào bằng mũi, phình bụng, lưỡi đặt trên vòm họng, thở ra dài hơi gấp đôi bằng mũi. Mỗi ngày tập chừng 30 phút buổi sáng hoặc tối.
2. Động công: khi tập hít vào, thở ra đều bằng mũi, hai kỳ thở bằng nhau, từ tốn và chậm rãi.
- Đứng thẳng tự nhiên, hai chân mở rộng bằng vai, hai tay buông thỏng, lưỡi đặt trên vòm vọng sát chân răng.
- Lật hai bàn tay ra ngoài rồi đưa lên che đầu, nhón chân lên. Hít vào bằng mũi, bụng phình.
- Hai tay hạ xuống ngực, gót chân hạ theo. Hai bàn tay tiếp tục lật úp xuống dọc xuống đến hết tầm rồi tách ra hai bên đùi. Thở ra tự nhiên, thoải mái.
Khi luyện tập môn khí công nói chung, và với những động tác giúp chữa trị THA nói riêng nên chọn một căn phòng hay môi trường yên tĩnh. Phải tránh tiếng ồn của môi trường xung quanh, vì sẽ gây tác dụng phụ không tốt cho cơ thể. Thời gian luyện tập cần căn cứ theo tình trạng bệnh, thể chất, việc làm, nghỉ ngơi… để sắp xếp thích hợp, có thể tăng dần thời lượng nhưng không nên tập quá sức.
Phần lớn phụ nữ trong thời gian hành kinh đều có thể luyện khí công như thường, nhưng nếu có biểu hiện như kinh kéo dài, lượng kinh gia tăng thì nên tạm ngừng tập cho đến hết kỳ kinh.
Không nên luyện tập lúc bụng đói và ngay sau bữa ăn. Khi bụng đói, đường ruột trong trạng thái rỗng, luyện công thường làm tăng thêm cảm giác đói, gây rối loạn. Sau bữa ăn, bụng trướng đầy sẽ gây trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng tập.
Theo Phụ nữ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét