Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Tăng huyết áp và những hệ lụy

Cùng với bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp (THA) hiện là một bệnh thường gặp ở cộng đồng.


Tập thể dục đúng cách, thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Tỷ lệ người bệnh THA ngày càng tăng, tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hơn. Theo thống kê gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ bệnh THA ở người lớn tại Việt Nam là 25,1%, tương ứng cứ 4 người từ 25 tuổi trở lên thì có 1 người bị bệnh. 
Điều đáng lo ngại là bệnh diễn biến âm thầm nên chỉ có một số ít người biết mình bị bệnh, do đó không áp dụng các biện pháp phòng trị kịp thời...
Các yếu tố từ lối sống tiện nghi như ăn uống dư thừa, ăn nhiều chất béo, lười vận động, béo phì, ăn quá mặn, dùng nhiều rượu bia, thuốc lá... là những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường cũng như THA tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 
Nói nôm na, huyết áp là áp lực của máu trong lòng mạch, khi tim co bóp, áp lực được tạo bởi sức tống máu của tim, gọi là huyết áp tối đa vì lúc này chỉ số huyết áp là cao nhất; ở giai đoạn tim không co bóp, máu vẫn có một áp lực để đi tới liên tục trong mạch máu đó là do sức co của chính mạch máu, lúc này gọi là huyết áp tối thiểu vì lúc này huyết áp ở con số thấp nhất. 
Huyết áp của một người được biểu thị bằng 2 con số kế nhau tương ứng với huyết áp tối đa và tối thiểu ở trên và biểu thị bằng đơn vị đo áp lực là “mmHg” (mi-li-mét thủy ngân-tương ứng với áp lực làm đẩy cột thủy ngân trong ống tăng lên bao nhiêu mi-li-mét), ví dụ: 120/70mmHg.
Bệnh THA được xác định khi huyết áp của bạn thường xuyên cao hơn mức bình thường. Bộ Y tế hiện quy định chẩn đoán bệnh THA của một người là khi huyết áp tối đa phải từ 140mmHg trở lên, hoặc huyết áp tối thiểu là từ 90mmHg trở lên.
Lưu ý, khi bạn đo huyết áp tại nhà thì chỉ số huyết áp ở trên không cần tới con số đó cũng được nghi ngờ là THA, cụ thể con số tương ứng là 135/85mmHg. Khi đo huyết áp tại nhà và đo nhiều lần mà đều gặp con số này thì bạn cần đến cơ sở y tế để đo lại cho chính xác hơn. 
Đo tại cơ sở y tế chuẩn hơn do nhân viên y tế sẽ cho người đo có thời gian nghỉ ngơi trước khi đo, khi đo sẽ có yêu cầu tư thế đo, cách đặt bao cánh tay và dùng máy đo đã được hiệu chỉnh chính xác hơn.
Chỉ 10% bệnh nhân THA là tìm được nguyên nhân, thường là do các bệnh lý tuyến thượng thận, do bệnh lý cầu thận, bệnh lý tuyến giáp, hẹp động mạch thận, đang dùng một số thuốc... trong khi đa số người bị THA lại không tìm được nguyên do.
Hiện nay, y học chưa khẳng định bệnh THA có di truyền hay không, nhưng khoa học lại khẳng định rằng, nếu một người có người thân trực hệ bị THA thì khả năng mình sẽ mắc THA là cao hơn người khác.
Tuy đa số người bị THA không tìm được nguyên nhân nhưng người ta thấy những người sau đây sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh, đó là: người bị rối loạn mỡ máu, người bị bệnh đái tháo đường, bị bệnh lý thận, tuổi nam trên 55 và nữ trên 65, gia đình có người bị mắc bệnh tim mạch, người quá cân-béo phì, béo bụng (vòng bụng nam từ 90cm trở lên, nữ từ 80cm trở lên), nghiện thuốc lá, nghiện rượu, ít hoạt động thể lực, căng thẳng tâm lý... Những người bị THA ở tuổi dưới 30 nhiều khả năng sẽ có bệnh lý kèm theo.
Bình thường mỗi người trưởng thành cần đo kiểm tra huyết áp ít nhất mỗi năm một lần. Bạn cần đo huyết áp ngay khi có dấu hiệu nhức đầu, đau gáy, xây xẩm, hồi hộp, mắt mờ, mệt, yếu nửa người, đau ngực, khó thở..., bạn cần đo huyết áp thường xuyên hơn nếu bạn càng lớn tuổi hoặc bạn thuộc nhóm người có nhiều nguy cơ kể trên.
Bệnh THA có thể dẫn đến những hệ lụy như: có thể gây nên đột quị, tức tự dưng gục ngã, mê man, đây là tình trạng nhồi máu não hay xuất huyết não. Bị đột quị có thể dẫn đến tử vong tức thời hoặc mê man sau một thời gian thì tỉnh lại với những di chứng liệt như liệt mặt, méo miệng, liệt nửa người, rối loạn ý thức; nhẹ hơn thì là cơn thiếu máu não thoáng qua. 
Những người có cơn thiếu máu não thoáng qua nếu không quan tâm chữa trị kịp thời sẽ có khả năng bị đột quị trong vòng 1 năm sau. 
Người ta thấy rằng 50% tai biến mạch máu não là do THA, huyết áp càng cao thì nguy cơ tai biến càng cao, người bị THA có nguy cơ tai biến mạch máu não gấp 3-4 lần người bình thường. Tai biến mạch máu não thường xảy ra lúc sáng sớm, vài giờ sau khi ngủ dậy, khi mà huyết áp tăng đột ngột.
THA lâu dài sẽ làm tim to ra và làm suy tim, người ta nói rằng nguy cơ này liên quan đến huyết áp tối đa hơn là huyết áp tối thiểu. THA liên quan đến bệnh động mạch vành là một động mạch quan trọng để nuôi cơ tim. 
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa THA và biến cố động mạch vành, cứ tăng mỗi 20mmHg huyết áp tâm thu hoặc mỗi 10mmHg huyết áp tâm trương sẽ làm tăng gấp 2 lần bệnh lý mạch vành như nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, suy vành,... THA cũng ảnh hưởng đến thận, cụ thể là suy thận và suy thận lại có ảnh hưởng ngược lại làm tăng tỷ lệ tổn thương cơ quan đích của THA như làm tăng thêm nguy cơ tim mạch.
Ngoài ra, THA còn gây biến chứng ở mắt (giảm thị lực, có thể mù lòa) và biến chứng ở các mạch máu lớn như mạch máu ngoại biên, phình động mạch chủ. Tóm lại, THA ảnh hưởng trực tiếp đến bốn cơ quan thuộc hàng quan trọng nhất của cơ thể là não, tim, thận, mắt, nếu không kiểm soát tốt huyết áp lâu dài thì chắc chắn bệnh sẽ tấn công các cơ quan này.

AloBacsi.vnTheo BS. Dương Phước Long - Báo Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét