Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Hiểu kỹ về bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch.

Vào năm 2002, tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận trong báo cáo sức khỏe hàng năm và liệt kê THA là “kẻ giết người số một”.
Nói một cách ngắn gọn, đối với người bị tăng huyết áp, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp bốn lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp hai lần so với người không bị tăng huyết áp. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20 mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10 mmHg đối với huyết áp tâm trương. 

Năm 2008 có khoảng 16,5 triệu người chết vì tăng huyết áptrên toàn thế giới. Thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006 cho thấy có khoảng 56.561 người Mỹ chết vì tăng huyết áp. Đây là những con số thật kinh khủng (!).
Các biến chứng thường gặp của tăng huyết áp
Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của tăng huyết áp).
Các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành khác, suy tim…,) các biến chứng về não (tai biến mạch não bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não; bệnh não do tăng huyết áp…) các biến chứng về thận (đái ra protein; suy thận…) các biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa, các biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người.
Đa số bệnh nhân bị tăng huyết áp (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ tăng huyết áp là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… là hết sức sai lầm. 
Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh tăng huyết áp do đã bị tai biến mạch não. Và do vậy, đã rất nhiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của tăng huyết áp, thậm chí tử vong mới biết mình bị tăng huyết áp hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt tăng huyết áp là quan trọng như thế nào.
Vấn đề kiểm soát tăng huyết áp cũng đáng để  bàn. Ngay tại một số nước phát triển như Hoa Kỳ, trong năm 2006, trong tổng số người bị tăng huyết áp có khoảng 77,6% đã được biết bị tăng huyết áp. 
Trong tổng số bệnh nhân bị tăng huyết áp, chỉ có 67,9% được điều trị và chỉ có 44,1% được khống chế tốt trong khi có tới 55,9% không được khống chế tốt. 
Tại một số nước như Canada, Anh, Đức… tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị cũng chỉ từ 27 - 47%. Tại Việt Nam, thống kê năm 2007, có tới gần 70% không biết bị tăng huyết áp, trong số bệnh nhân biết bị tăng huyết áp, chỉ có 11,5 % được điều trị và chỉ có khoảng 19% được khống chế huyết áp đạt yêu cầu.
Tại sao lại như vậy?
Để trả lời được câu hỏi này chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể từ phía các nhà quản lí, người dân và thày thuốc.
Nhận thức của nhân dân về nguy cơ, thái độ và hành động đối với tăng huyết áp chưa đầy đủ và đúng mực: Các nguy cơ thực tế mà người tăng huyết áp thường ước lượng không đầy đủ, bị bỏ sót hoặc ước lượng dưới mức. 
Mức tăng huyết áp thật của người bị tăng huyết áp cũng bị ước lượng dưới ngưỡng. Nhiều người còn coi thường về tăng huyết áp hoặc coi tăng huyết áp là có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Khống chế bằng cách nào?
Những nghiên cứu kinh điển đã cho thấy, việc tôn trọng điều trị giảm được huyết áp đã ngăn chặn được đáng kể tử vong và tàn phế do các biến chứng của tăng huyết áp gây ra. 
Theo ước tính, nếu cứ giảm đi được mỗi 10 mmHg huyết áp tâm thu ở người bị tăng huyết áp thì giảm được khoảng 30% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm được 40% nguy cơ tử vong do tai biến mạch não.
Làm thế nào để giảm được huyết áp như mong muốn: vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh. Việc thay đổi lối sống đóng một vai trò quyết định. Thêm vào đó, hãy dùng thuốc đều đặn và liên tục theo chỉ định của thày thuốc.
Theo ước tính của Hội Tim mạch Canada năm 2009 tại Canada, với việc giảm ăn mặn từ 3500mg muối xuống 1700mg muối trong một ngày đã giúp giảm 1 triệu người bị tăng huyết áp; giảm 5 triệu lượt người phải đi khám bác sĩ trong một năm; tiết kiệm được 450 đến 540 triệu đô la trong một năm do phải đi khám và dùng thuốc; giảm được 13% tử vong do các biến chứng tim mạch và tổng cộng chi phí y tế giảm được 1,3 tỷ đô la mỗi năm (!). 
Những thống kê khác về thay đổi lối sống là: cứ giảm được 1800mg muối mỗi ngày thì giảm được trung bình 5,5mmHg huyết áp; cứ giảm được mỗi 1kg cân nặng thừa thì giảm được trung bình 1,5mmHg; tập thể dục đều ít nhất 60 phút mỗi ngày và hàng ngày thì giảm được trung bình 5,5mmHg; chế độ ăn hợp lí (chế độ DASH theo khuyến cáo của Canada) sẽ giúp giảm được 11mmHg. Đây là một dẫn chứng nhỏ để nói lên, nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo, thì những biện pháp dù đơn giản cũng có hiệu quả đáng kể.
Khi có chỉ định dùng thuốc điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng các chỉ dẫn của thày thuốc. Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của tăng huyết áp). 
Chúng ta rất vui mừng là hiện ngày càng có nhiều loại thuốc có hiệu quả cao trong điều trị tăng huyết áp, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải là sự tuân thủ điều trị của người bị tăng huyết áp còn kém làm cho số bệnh nhân đạt được mục tiêu còn khiêm tốn.
Việc kiểm soát tăng huyết áp chủ yếu dựa vào cộng đồng và có ý nghĩa quyết định, mang lại lợi ích đáng kể. Việc cổ vũ lối sống lành mạnh và thay đổi những lối sống có hại cho mỗi cá nhân là “vũ khí” hàng đầu trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Theo ThS. Nguyễn Ngọc Quang  - Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét