Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Phình động mạch não - Quả bom nổ chậm

Tỷ lệ tử vong và tàn phế sau vỡ phình động mạch não là rất cao.

Phình động mạch não (PĐMN) khi chưa bị vỡ hầu như không có triệu chứng gì. Khi vỡ ra thường gây “chảy máu dưới nhện” - một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Nguy cơ bị vỡ có ở tất cả các bệnh nhân PĐMN, nhưng không thể biết ai sẽ bị và khi nào sẽ xảy ra. Vì vậy PĐMN luôn được coi là quả bom nổ chậm trong não.
Biểu hiện phình động mạch não
PĐMN là tổn thương phình ra bất thường tại một hoặc nhiều vị trí trên thành động mạch não, thường xuất hiện ở ngã ba của các động mạch vùng nền sọ trong khoang dưới nhện.
Khi chưa vỡ: phần lớn không có triệu chứng, có thể được phát hiện tình cờ khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hoặc chụp mạch vì bệnh khác. Một số ít bệnh nhân có các dấu hiệu chèn ép thần kinh như đau đầu mạn tính, giảm thị lực và thu hẹp thị trường, sụp mi, giãn đồng tử…
Khi bị vỡ: gây chảy máu dưới nhện là chủ yếu, triệu chứng thường đột ngột, cấp tính với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Khởi phát đột ngột với triệu chứng đau đầu dữ dội, kèm theo nôn, buồn nôn, cứng gáy, tăng huyết áp. Các triệu chứng có thể giảm nhanh, nhưng cũng có thể kéo dài. Ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, hôn mê ở các mức độ khác nhau. Có thể kèm theo các triệu chứng thần kinh: sụp mi, bại liệt khu trú, cơn co giật…
 
 PĐMN (ảnh trái, chụp mạch) và chảy máu dưới nhện (chụp cắt lớp) do vỡ túi phình (ảnh phải).
PĐMN nguy hiểm thế nào?
Hầu hết các PĐMN tồn tại không có triệu chứng, nên chúng ta không thể biết bệnh, đến khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu mới đến bệnh viện.
 
Chảy máu não do vỡ PĐMN thường là chảy máu dưới màng nhện - một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề. Có thể vỡ một lần hoặc nhiều lần. Lần sau thường nặng hơn lần trước và không thể biết thời điểm sẽ vỡ lại. Tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao sau vỡ PĐMN.
Làm gì khi bệnh nhân bị đột quỵ não?
Khoảng 1% dân số bị PÐMN và mỗi năm khoảng 1% số PÐMN bị vỡ gây chảy máu dưới nhện.
 
Như vậy, ở một địa phương có 1 triệu dân, hằng năm sẽ có khoảng 100 người bị chảy máu dưới nhện do vỡ PÐMN!
Đưa ngay người bệnh đến bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố gần nhất (khi có dấu hiệu đột quỵ não như đột ngột đau đầu dữ dội, ý thức lơ mơ hoặc kích thích vật vã hay hôn mê, co giật hoặc liệt nửa người..., cần gọi ngay xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện, không được để bệnh nhân tại nhà.
 
Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu đến, người thân trong gia đình hoặc cơ quan nên tìm và gọi điện thoại cho bác sĩ quen (nếu có) hoặc trung tâm đột quỵ não đã biết để xin tư vấn. Không được làm các động tác kích thích như ấn huyệt nhân trung, kích thích đau, đánh gió... vì sẽ làm huyết áp tăng lên nhiều hơn, có thể làm nặng thêm tình trạng chảy máu não.
 
Đặc biệt, không được cho bệnh nhân uống thuốc hoặc nước nếu ý thức lơ mơ hoặc hôn mê vì dễ bị sặc gây suy hô hấp. Không mất thời gian đi tìm và cho bệnh nhân uống thuốc Đông y vì các thuốc đó không có tác dụng cấp cứu).
Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được chụp cắt lớp vi tính (CT) não - biện pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên cho biết bệnh nhân bị nhồi máu hay chảy máu não. Chảy máu trong nhu mô não thường do tăng huyết áp hoặc dị dạng động tĩnh mạch não. Chảy máu dưới nhện thường do vỡ PĐMN.
Nếu không có CT hoặc CT không thấy chảy máu dưới nhện nhưng vẫn nghi ngờ có thể chọc ống sống thắt lưng. Dịch não tủy có máu không đông là dấu hiệu của chảy máu dưới nhện. Khi đã được chẩn đoán chảy máu dưới nhện, bệnh nhân cần được chuyển ngay đến bệnh viện trung ương có khả năng chụp DSA và can thiệp mạch máu não càng sớm càng tốt.
Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) - tiêu chuẩn vàng để xác định PĐMN. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh nhân, hình ảnh CT và DSA để quyết định phương pháp và thời điểm can thiệp điều trị triệt để. 
Theo TS Lê Văn Trường - Bệnh viện Quân đội 108
Sức khỏe và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét