Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Nhịp nhanh trên thất có nguy hiểm?

Bố tôi năm nay 56 tuổi, bị bệnh nhịp nhanh trên thất hiện đang phải điều trị tại bệnh viện.

Xin hỏi bác sĩ, bệnh của bố tôi có nguy hiểm không và có phải phẫu thuật không?
(Trần Nguyên Anh - Hải Phòng)
Trả lời:
 
Rối loạn nhịp do nhịp nhanh thất có nhiều dạng, đó là:
 
- Nhịp nhanh thất tự phát, do một nhóm tế bào tại tâm thất phát ra xung động kích thích tâm thất co bóp, làm tâm thất co bóp không đều với tâm nhĩ.
 
- Nhịp nhanh thất do bệnh tim thiếu máu cục bộ: vùng cơ tim bị thiếu máu trong bệnh mạch vành gây ra vết sẹo, vết sẹo này tạo nên những đường dẫn truyền xung động bất thường trong tâm thất, kích thích tâm thất co bóp mà không cần xung động từ tâm nhĩ chuyển xuống.
 
Với hai tổn thương trên, tâm thất đều co bóp khi chưa chứa đủ máu, do đó tim đập rất nhanh mà máu vẫn không được bơm đủ ra hệ tuần hoàn. Bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, thở nhanh. Nếu không điều trị kịp thời dễ xuất hiện rung thất.
 
Rung thất là rối loạn nhịp nguy hiểm nhất, nó xảy ra khi không có xung động dẫn truyền xuống tâm thất. Hậu quả là các sợi cơ thất tự động co bóp một cách hỗn loạn, không thành nhịp và sẽ nhanh chóng ngừng hoạt động, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.
 
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể chia ra là nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải (bệnh lý cơ tim, van tim và một số nguyên nhân khác tác động tới hệ thần kinh tim, dẫn tới các hoạt động bất thường của hệ thần kinh tim).
 
Điều trị các rối loạn nhịp tim tùy theo từng nguyên nhân các bác sĩ sẽ tiến hành dùng thuốc, can thiệp tim mạch hay phẫu thuật.
 
Dù là phương pháp điều trị nào thì bệnh nhân cũng phải thực hiện các thói quen tốt trong cuộc sống như tập luyện thường xuyên, không hút thuốc lá, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

Theo TS. Phạm Quốc Khánh - Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét