Thỉnh thoảng bị nặng ngực, hụt hơi, bà Duyên cứ nghĩ do làm việc quá sức. Gần đây, bà ngất khi thay đổi tư thế vì một khối u nhày trong tim.
Một bệnh nhân tim đang được điều trị. Ảnh minh họa: N.P
Hai tháng trước, bà Duyên (45 tuổi, ở Hà Nam) bị
ngất, sau đó lại mệt, khó thở. Bác sĩ gần nhà cho rằng bà bị suy nhược
cơ thể, chỉ cần bồi bổ sẽ khỏi. Thế nhưng, càng về sau những biểu hiện
này càng nặng, thậm chí một vài lần bà ngất lịm đi khi nằm xuống.
"Không gắng gượng được nữa tôi mới đến bệnh viện. Lúc
bác sĩ bảo tôi bị u ở tim, tôi còn không tin, nhưng dù sao vẫn còn may
đó là khối u lành tính, không phải ung thư", bà Duyên thở phào nói.
Thạc sĩ Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV
Tim Hà Nội cho biết, bà Duyên có một khối u lớn trong tim, kích thước
khoảng 5 cm. Bệnh nhân bị ngất khi thay đổi tư thế nằm là do u di
chuyển, chèn vào van 2 lá.
Bệnh viện từng phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ, 54
tuổi, ở Nam Định, có khối u to như quả cam (hơn 7 cm), chiếm toàn buồng
nhĩ trái. Bệnh nhân được chuyển đến viện trong tình trạng cấp cứu, sốt
cao, khó thở, ho, phù toàn thân và ngất khi thay đổi tư thế...
Theo thạc sĩ Hiếu, u ở tim có hai dạng: nguyên phát,
khối u tại tim; và thứ phát - u di căn từ chỗ khác đến do ung thư dạ
dày, phổi, vú, trung thất... theo đường máu, bạch huyết. Khối u có thể
xuất hiện ở cơ tim, lớp màng lót bên trong tim hoặc ở lớp màng bao bọc
ngoài tim, hay gặp nhất là u nhày.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nữ bị nhiều
hơn nam. 70% khối u là lành tính, bệnh do u chiếm thể tích trong tim gây
nên. Còn lại là u ác tính, phần lớn xảy ra ở trẻ em.
Tuy nhiên dù là u lành tính vẫn gây nhiều nguy hiểm
cho người bệnh vì nguy cơ khối u di chuyển, dễ gây cản trở dòng máu chảy
trong tim, hình thành cục máu đông làm bệnh nhân ngất đột ngột hoặc đột
quỵ. Ở những bệnh nhân có khối u lớn, cuống bị đứt bắn đi gây tắc mạch
rất nguy hiểm.
"Bệnh nguy hiểm ở chỗ diễn biến âm thầm, triệu chứng
ban đầu chỉ là các cơn tức ngực nên người bệnh dễ bỏ qua. Ngay cả khi
bệnh phát triển ở giai đoạn nặng hơn, người bệnh thấy khó thở, ngất...
vẫn có trường hợp bị chẩn đoán nhầm với động kinh, hở van hai lá hoặc
các bệnh lý của phổi", bác sĩ Hiếu nói.
Các bác sĩ cảnh báo, u ở tim không có biện pháp dự
phòng. Khi bị bệnh, người bệnh thường thấy đau ngực, đánh trống ngực,
sốt, sút cân, khó thở, mệt mỏi… Một số trường hợp không có triệu chứng
và chỉ được xác định khi tiến hành điện tâm đồ, hoặc tình cờ phát hiện
do khám sức khỏe định kỳ.
Vì vậy, khi gặp các triệu chứng trên, đặc biệt là hiện
tượng ngất khi thay đổi tư thế, nên đi khám để phát hiện bệnh sớm,
tránh u phát triển to. Nếu phát hiện muộn, người bệnh có nguy cơ tổn
thương van tim, hở van hai lá... Những người có yếu tố gia đình như cha,
mẹ từng bị u tim thì nên đi kiểm tra. Những bệnh nhân đã có ung thư ở
nơi nào đó cũng nên kiểm tra cả hệ thống.
Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ tái phát, bác sĩ phải tìm
cắt hết chân, cuống của u. Song nguy cơ tái phát vẫn còn, vì thế người
bệnh nên tái khám để xem khối u có phát triển không.
Theo Phương Trang - VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét